Review Ma Da: Kịch bản nhiều sạn, yếu tố kinh dị rập khuôn
Với chất liệu dồi dào, Ma Da bước đầu gây được tò mò nhưng kịch bản nhiều sạn, yếu tố kinh dị rập khuôn gây thất vọng lớn cho khán giả.
Ma da có lẽ là một trong những con ma nổi tiếng bậc nhất văn hóa dân gian Việt Nam, ai cũng ít nhất từng nghe qua vài lần, đặc biệt là ở vùng sông nước. Đặc biệt, chúng có liên quan mật thiết với nghề đi vớt xác chết đuối của người dân.
Nhân vật chính của bộ phim kinh dị Ma Da là Lệ (Việt Hương) – một người làm nghề vớt xác sau khi chồng qua đời vì chết đuối. Cả vùng quê yên bình bỗng trở nên náo động vì hàng loạt vụ mất tích bí ẩn khiến người dân kháo nhau về “ma da kéo giò”. Cùng vì thế mà Lệ trở nên bận bịu, không có thời gian chăm sóc cô con gái nhỏ tuổi tên Nhung (Dạ Chúc).
Một ngày nọ, Nhung vô tình nhặt được con búp bê lạ từ dưới sông và mang về nhà chơi. Cô bé không ngờ rằng mình đã trở thành mục tiêu tiếp theo của linh hồn tà ác. Lệ thì vẫn bỏ ngoài tai những nỗi sợ của Nhung, cho rằng chỉ là ảo giác, đến khi cô bé mất tích thì đã quá muộn.
Bối cảnh sông nước, tạo hình là điểm cộng
Theo truyền thuyết, ma da vốn là hồn ma chết đuối ở sông suối ao hồ mà không thể siêu thoát. Do đó mà chúng thường xuyên “kéo giò” hại chết người khác, ai hợp mạng thì phải thế chỗ làm ma da để chúng siêu thoát. Những câu chuyện về ma da đã vượt qua lời hù dọa của người lớn mà đi vào đời sống của người dân, thậm chí cả văn hóa như trong ca khúc Bắc Kim Thang. Vì thế mà trong những phút đầu tiên, hình ảnh con ma tạo được sự sợ hãi và tò mò.
Ngay từ đầu, phim đã hé lộ ma da gắn liền với con búp bê bí ẩn. Một nạn nhân trong lúc đi câu trên sông vô tình nhặt được món đồ chơi và làm gãy đầu nó. Ngay lập tức, hồn ma xuất hiện hù dọa rồi kéo người này xuống mặt nước tĩnh lặng. Vì thế mà khi Nhung cũng nhặt được con búp bê ấy, người xem bắt đầu lo lắng và sợ hãi cho số phận của cô bé. Đạo diễn khéo léo cho con ma xuất hiện từ những khóc khuất xa xa rồi mới tiến dần lại gần qua mỗi lần để tăng sự kịch tính.
Nhiều đoạn hù dọa khá ấn tượng khi chỉ Nhung là thấy ma da còn bạn bè, người thân cô bé thì không cảm nhận được gì dù đứng gần bên nó. Tạo hình của ác ma lúc này mang đến cảm giác rùng rợn với mái tóc rũ rượi, quần áo rách nát và móng tay dài sắc nhọn, cơ thể ướt sũng. Cách nó di chuyển dưới nước chỉ lộ mái tóc bồng bềnh cũng rất đáng sợ khi gợi nhắc những xác chết trôi ở miền sông nước.
Bối cảnh Cà Màu sông nước mênh mông không khác gì “sân chơi” của ác ma. Những khu rừng ngập mặn âm u, những căn nhà ngay sát bên sông làm tốt nhiệm vụ tạo bầu không khí nặng nề, nơi ma da có thể xuất hiện bất cứ đâu, bất cứ khi nào và giết chết nạn nhân mà người thân không hề hay biết. Đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng tận dụng tốt âm thanh đến từ các bài hát ru ma mị, tiếng bước chân kèm nước chảy, tiếng cửa gỗ mở cót két giữa đêm tối tĩnh mịch để hù dọa khán giả.
Kịch bản rập khuôn, phi lý
Với những lợi thế ấy, Ma Da lại ngày càng mất dần sức hút ở nửa cuối phim bởi kịch bản cũ kỹ và đầy sạn. Nhân vật Lệ vốn là một người vớt xác trên sông lâu năm nhưng lại không hề tin chuyện có ma da và bỏ ngoài tai lời con gái kể một cách khó hiểu. Người vú nuôi ngoài miệng thì tin nhưng khi Nhung muốn nằm ngủ cùng thì lại… nói rằng không có gì phải sợ rồi bỏ mặc cô bé đi làm chuyện khác.
Hầu hết thời lượng phim chỉ xoay quanh việc Lệ đi nhặt xác, còn cô kiếm sống ra sao, mối quan hệ với người dân thế nào thì được thể hiện khá hời hợt. Trong khi đó, ma da năm lần bảy lượt xuất hiện hù dọa Nhung nhưng không bắt đi dù có rất nhiều cơ hội. Tạo hình con búp bê của Nhung khá ghê rợn nhưng lại gây khó hiểu vì cô bé lại yêu thích nó và suốt ngày ôm theo bên mình nhưng chẳng một ai để ý.
Cái kết phim làm nhiều khán giả khó hiểu vì cực kỳ mâu thuẫn, lại còn phá vỡ hết những gì đã xây dựng trước đó. Có vẻ đây là những thay đổi phút cuối của ê-kíp để mở đường cho Ma Da có phần hai. Bên cạnh đó, phim còn gây tranh cãi khi một nhân vật cho rằng nghề vớt xác là đang tạo nghiệp vì gây thù với ma da. Song, Lệ phản bác là họ đang tích đức vì giúp thân nhân những người chết đuối. Nhưng cái kết phim lại khiến thông điệp này trở nên sai sai.
Những chiêu trò hù dọa ban đầu khá tốt nhưng lại bị lạm dụng quá nhiều khiến khán giả dần trở nên nhàm chán. Gần như ai cũng có thể đoán được con ma xuất hiện ở đâu và vào lúc nào hay sẽ nhảy vào màn hình ra sao. Phần âm thanh chói tai cũng được dùng quá đà khiến nhiều phân đoạn người xem giật mình vì tiếng hù quá to chứ chẳng sợ hãi gì. Khi thấy cận mặt thì ma da lại lộ “nguyên hình” phần hóa trang còn cẩu thả, hời hợt khiến nó không giữ được sự ma mị, đáng sợ nữa.
Phần nhạc phim do Cẩm Ly trình bày có giai điệu khá da diết và ngọt ngào. Song, bài hát lại không phù hợp khi được lồng vào phân cảnh Lệ đau khổ vì con gái mất tích. Tổng thể cảnh phim cũng vì thế mà trở nên lạc quẻ, thiếu cảm xúc cần thiết.
Việt Hương lăn xả diễn xuất
Ma Da đánh dấu vai diễn hiếm hoi của Việt Hương không có bất kỳ một phân đoạn hài hước nào. Cô chịu khó làm xấu mình, cắt tóc ngắn, để nước da sạm đen cho ra dáng một phụ nữ miền sông nước có cuộc sống cực khổ, lam lũ, suốt ngày ngâm mình dưới nước. Nữ diễn viên cũng chịu khó thực hiện những cảnh vớt xác dưới sông hay vật lộn trong cánh rừng ngập mặn để tìm xác con gái.
Cô thể hiện khá tốt nỗi đau và sự ân hận của một người mẹ vì mải mê công việc mà quên mất con gái. Những phân đoạn Lệ ngồi hút thuốc cho bớt lạnh trên thuyền sau một hồi ngụp lặn dưới nước cho thấy rõ ánh mắt lo lắng, sự giằng xé khi vừa mong tìm được Nhung nhưng cũng vừa mong đó không phải xác con gái mình.
Thế nhưng, ngoài Việt Hương ra, dàn diễn viên phụ còn lại khá mờ nhạt và không có vai trò cụ thể. NSƯT Thành Lộc hay ca sĩ Cẩm Ly được quảng bá có nhiều đất diễn nhưng hoàn toàn mất hút trong phim và chỉ xuất hiện được một vài phút ngắn ngủi. Diễn xuất của bé Dạ Chúc ở mức ổn nhưng chưa thật sự tạo được điểm nhấn.
Chấm điểm: 2,5/5
Nhìn chung, Ma Da có một chất lượng thuộc hàng trung bình khá so với mặt bằng phim kinh dị Việt. Tác phẩm có một bối cảnh phù hợp, gây sợ hãi khá tốt ở nửa đầu phim. Thế nhưng, đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng chưa thể phát triển những thế mạnh đó theo một hướng sáng tạo hơn hay mang đến cú twist thật sự ấn tượng mà lại lan man lạm dụng hù dọa không có mục đích cụ thể. Ở một kịch bản tốt hơn, có lẽ Ma Da sẽ còn thành công hơn nữa so với hiện tại.
Nguồn: Kênh 14